Năm 2022, xung đột ở Ukraine, đại dịch COVID-19 và giảm giá đồng yen đã đẩy giá vật liệu xây dựng tăng, gây khó khăn cho ngành xây dựng Nhật trong việc đấu thầu và thu thập dự án mới. Trong bối cảnh này, nhu cầu bảo đảm an ninh tài nguyên và tự chủ nguyên liệu đang thu hút sự chú ý toàn cầu, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành xây dựng của Nhật Bản.
Cải thiện chất lượng tái chế
Trong khuôn khổ kinh tế tuần hoàn, ngành xây dựng của Nhật Bản có khả năng nhanh chóng cải thiện quá trình xử lý, phân loại và tái sử dụng rác thải trong giai đoạn thi công, cùng việc tiết kiệm năng lượng tại các công trường.
Hơn nữa, họ đang thúc đẩy việc áp dụng Mô hình hóa thông tin công trình (BIM/CIM) để giảm tiêu thụ tài nguyên và chất thải. Sự gia tăng việc sử dụng vật liệu tái chế như bê tông và gỗ, cùng với việc triển khai thiết kế linh hoạt nhằm giảm sử dụng chất kết dính, tạo sự dễ dàng trong lắp đặt và tháo dỡ mà vẫn đảm bảo tuổi thọ cao.
Tuy nhiên, hiện tại, họ tập trung hơn vào tái sử dụng hơn là tái chế, đưa vào thiết kế để tăng tuổi thọ hơn là đơn giản cho việc tháo dỡ. Vì xây dựng không chỉ là sản xuất hàng loạt mà còn là việc thực hiện từng dự án theo gói thầu riêng lẻ.
Các đơn vị thiết kế và thi công gặp khó khăn trong việc thực hiện các biện pháp như tái sử dụng hoặc tái chế nếu chúng không mang lại lợi ích về chi phí cho chủ đầu tư.
Trong lĩnh vực nhà ở và công nghiệp, kinh tế tuần hoàn đẩy mạnh việc sử dụng các công trình xanh và ngôi nhà năng lượng bằng 0, tạo ra môi trường bền vững.
Nhật Bản cũng đặt mục tiêu cải thiện chất lượng tái chế trong tương lai khi tỷ lệ tái chế chất thải xây dựng đang duy trì và ổn định.Tập đoàn xây dựng Maeda đã nghiên cứu cách tái chế nhựa đường và bê tông thành nhựa đường tái chế có khả năng sử dụng.
Họ cũng hạn chế chất thải nhựa và xây dựng hệ thống kết nối linh hoạt để cả tư nhân và nhà nước có thể hiệu quả sử dụng đất phát sinh từ xây dựng khi cần.
Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức cần giải quyết. Trước hết, cân bằng cung - cầu về vật liệu tái chế có thể bị phá vỡ trong tương lai. Nhựa đường tái chế được sản xuất trong lượng lớn, nhưng trong tương lai, việc tái chế lại con đường ít hơn dự kiến có thể tạo ra mất cân bằng cung - cầu và ảnh hưởng đến khả năng thực hiện tái chế.
Thứ hai, vật liệu tái tạo và tái sử dụng từ đất ô nhiễm có thể không tương thích với tiêu chuẩn môi trường hiện tại. Điều này không tính đến nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng do sự biến đổi liên tục của các doanh nghiệp, không đồng đều về quy mô...
Chúng ta có thể làm gì?
Trong lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam, có thể áp dụng kinh tế tuần hoàn qua các cách sau:
Ban đầu, ngành xây dựng tại Việt Nam có thể áp dụng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào khía cạnh thiết kế trong xây dựng. Điều này bao gồm việc thiết kế mô đun, tập trung vào tính bền vững, và đặc biệt là tạo thiết kế dễ dàng trong việc lắp đặt và tháo dỡ. Đồng thời, hạn chế việc sử dụng chất phụ gia và tăng cường sử dụng vật liệu tái chế cùng với vật liệu xanh.
Tiếp theo, thực hiện những biện pháp tái sử dụng và tái tạo vật liệu trong quá trình thi công. Điều này bao gồm việc giảm thiểu rác thải công nghiệp và khí thải tổng hợp trong giai đoạn thi công. Đồng thời, đặt ra các quy định về giảm lượng chất thải như phân loại rác tại công trường và tăng cường tái chế nhựa phế thải.
Ngoài ra, tạo động lực cho việc sử dụng các bảng kê khai xử lý rác điện tử và đơn giản hóa việc quản lý thông tin về chất thải. Việc này có thể giúp kết nối với các đơn vị xử lý rác ở gần, giảm chi phí vận chuyển, giảm khí thải CO2 và đảm bảo sự minh bạch trong việc xử lý rác thông qua hồ sơ điện tử.
Đồng thời, cần phát triển chính sách xử lý đất ô nhiễm và ngăn chặn sự lây lan ô nhiễm ra các khu vực xung quanh công trường. Điều này bao gồm việc thiết lập các biện pháp xử lý và tái sử dụng phù hợp với quy định môi trường hiện tại.
Nguồn: Báo tuổi trẻ